Tưởng nhớ Nguyễn_Biểu

Từ năm 1941, tác giả Hoàng Xuân Hãn đã công bố trong Khai trí tiến đức, tập san số 2 và 3, mấy bài thơ Nôm đời Hậu-Trần được gom trong Nghĩa sĩ truyện: một bài của vua Trùng Quang (1409-1413) tặng Nguyễn Biểu khi lĩnh mạng đi sứ, bài họa lại và sau đó là bài thơ bữa tiệc "đầu người" của Nguyễn Biểu khi bị giặc làm áp lực, bài tế Nguyễn Biểu của vua Trùng Quang và bài tụng chí khí của Nguyễn Biểu do sư chùa Yên Quốc.

Nhân dân miền Nghệ An - Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần.

Nguyễn Biểu mãi mãi được các thế hệ mai sau ngợi ca cùng câu đối ghi ở đền Nghĩa Liệt:

"Tồn Trần kính tiết Thành sơn thạch. Mạ tặc dư thanh Lam thủy ba".

(Tiết cứng phò Trần đá Nghĩa Liệt. Tiếng vang mắng giặc sóng Lam Giang).

Đền thờ Nguyễn Biểu

Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng quân Minh đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên (hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ) phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương - tức Nghĩa sỹ Đại Vương. Đến đời vua Lê Thánh Tông sai lập miếu thờ Nghĩa sĩ ở Bình Hồ. Đến cuối thế kỷ 18 đền bị cháy, sau cơn binh lửa vua Gia Long lại có sắc phong.

Năm 1869, nhân dân trùng tu lại đền.

Năm 1968, đền bị bom Mỹ phá hủy khu Hạ điện, Trung điện bị bay hết ngói. Kẻ gian một vài lần đã lấy trộm một số đồ thờ, đặc biệt trong đó có hai bức tượng gỗ.

Đền Nguyễn Biểu đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Đền được tu sửa nhỏ nhiều lần. Năm 2007 được nhà nước cho trùng tu nhà Trung điện.